VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Đời sống bên con đường sắt hay là một dấu hiệu của xã hội hiện đại đã được miêu tả trong văn thơ tiền chiến như thế nào?


 Trên trang blog  của mình, ngày 14-4-2017, bạn Nguyễn Đức Mậu vừa dẫn lại một  bài viết  của DHA về sự phát triển của đường sắt  thời Pháp thuộc .
Bài viết công phu này “Đông Dương được tạo nên từ sắt và tiền bạc: sắt từ đường ray và tiền bạc từ ngân sách chung” khá dài,  NĐM  có đưa mấy con số tóm tắt và bình luận ngắn như sau
Đến năm 1945, đường sắt ở Đông Dương có các tuyến đường sau:
Hà Nội- Sài Gòn: 1.730 km
Hải Phòng- Lao Kay: 387 km
Hà Nội- Na Sầm: 179 km
Tân Ấp- Xóm Cục: 18 km
Tháp Chàm- Đà Lạt: 81 km
Sài Gòn- Mỹ Tho: 70 km
Sài Gòn- Lộc Ninh: 135 km
Phnom-Penh- Mongkolbory: 331 km

Qua đây biết Độc lập rồi đường sắt kém thua hồi mất độc lập. Đế quốc sài lang, ở câu chuyện đường sắt, có công với Việt Nam ta hơn người Ta thống trị Ta.
Hoan hô bọn đế quốc sài lang.



Tôi không thạo lắm về lịch sử hiện đại nhưng có cảm tưởng chính đường sắt là dấu hiệu của một xã hội hiện đại. Vì nó là bằng chững của  sự thống nhất của thị trường quốc gia.
Nhưng cách đây hai chục năm tôi chưa có được nhận thức như vậy. Tôi chỉ cảm thấy niềm vui của con người tiền chiến  bên con đường săt mới hình thành và nhận thấy các nhà văn đương thời đã ghi nhận điều này một cách khá đầy đủ.
Bài viết dưới đây, là một thứ lược thuật về chủ đề đường sắt trong văn học, nó đã được tôi viết giống như một thứ thể nghiệm về việc nhìn văn học bằng con mắt xã hội học.
Bài đã được đưa vào tập sách Chuyện cũ văn chương  và đưa lên mạng ở đường link
https://vuongtrihai.wordpress.com/nh%E1%BB%AFng-ch%E1%BA%A5n-th%C6%B0%C6%A1ng-tam-ly-hi%E1%BB%87n-d%E1%BA%A1i-2/
NGƯỜI BẠN ĐƯỜNG MỘT THUỞ

(Kỷ niệm về nhà ga và những chuyến tàu trong văn chương tiền chiến)
Mỗi lần nói tới chuyện đi xa, không hiểu sao tôi cứ thấy vấn vương cái hình ảnh những con đường sắt, những nhà ga, nó là một bộ phận làm nên kỷ niệm của tôi về các vùng quê. Và tôi không khỏi nhớ tới một số sáng tác thơ văn của các tác giả tiền chiến quen thuộc chung quanh đề tài này.

Tản Đà
Nhà thơ này thường được biết tới qua những vần thơ réo rắt tình cảm như Thề non nước, như Qua cầu Hàm Rồng cảm tác. Nhưng nên nhớ là trong con người Tản Đà, bên cạnh nhà thơ, còn có một nhà văn xuôi, nhà báo, và ông đã kịp ghi lại những nét thay đổi ở nước Việt Nam hồi đầu thế kỷ, trong đó có La-ga Hàng Cỏ (tên gọi cũ của ga Hà Nội). Đây là mấy đoạn trong bài thơ ấy.
Thường thường đôi khi về chơi Hà
Chơi chán trò chơi trở lại nhà
Gần sáng nghe động xe điện chạy
Cao su cũng tít kề la-ga
La-ga lúc ấy đèn choang sáng
Xôn xao rối loạn tây, tàu, ta…
Đặt vào hoàn cảnh những năm từ 1930 về trước thì việc đưa những chi tiết đời thường vào thơ như trên đã là táo bạo, nó là chuyện có phần mới đối với lớp nhà thơ quen viết theo thi pháp cổ. Và bài thơ khép lại bằng một nhận xét cũng rất báo chí:
Bao nhiêu nhanh chóng bấy nhiêu tiền
Đã tiện cho dân lại lợi nước
Nghĩ xem một việc đường hoả xa
Thực người đời nay sướng hơn trước.
Rồi ra, người ta sẽ thấy Tản Đà tận dụng đường sắt trong nghề làm văn làm báo như thế nào. Nguyễn Công Hoan trong một đoạn hồi ký cho biết có thời gian Tản Đà ở Hà Nội làm An Nam tạp chí, nhưng mang in tận thành phố Vinh, và ông đi lại trên đường như đi chợ. Đường sắt được ông coi như nhà của mình, cứ lên tàu là ông ngủ, người soát vé đã quá quen chẳng buồn dựng ông dậy để hỏi vé nữa.


Nguyễn Bính, Tế Hanh, Nguyễn Tuân
Từ sau Tản Đà, cái nhà ga còn được nhiều thi sĩ khác nhắc nhở tới, và dĩ nhiên là với những nét thi vị hơn. Nguyễn Bính nhìn thấy ở ga toàn những chuyện chia ly, đó là nơi “ cây đàn sum họp đứt từng dây” Tế Hanh cũng kể rằng những ngày nghỉ học thường ra ga ngắm cảnh người ta tiễn biệt nhau và nhận xts: “Có chi vướng víu trong hơi máy Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau”. Chỗ giống nhau của hai thi sĩ này là quen sống trong một khung cảnh êm ấm, các ông rất sợ những sự thay đổi, từ đó mà sinh ra đa sự khi nhìn cái nhà ga. Nhưng có lẽ đa sự hơn cả, vân vi lắm chuyện hơn cả, trong quan hệ với các nhà ga, phải là Nguyễn Tuân. Truyện dài Quê hương có hơn hai chục chương thì đến bốn chương nói đến chuyện nhân vật Bạch lảng vảng ngoài ga Hàng Cỏ. Không tiễn ai cả, Bạch chỉ vẩn vơ ra đấy. Để tìm cảm giác lạ. Để làm một tí hành động vô lý giữa cuộc đời có lý. Để nhìn thấy mình vừa khác mọi người vừa giống mọi người. Nhà ga như vậy đã trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội, người ta không cảm thấy xa lạ mà lui tới tự nhiên và sẵn sàng xem đấy như một biểu tượng của cuộc sống đang đi vào chuẩn mực. Có điều cả Nguyễn Tuân lẫn Tế Hanh, Nguyễn Bính mới dừng lại ở những đầu mối giao thông lớn, trong khi câu chuyện về đường sắt lẽ ra còn là chuyện của những chuyến tàu xẻ dọc những miền quê và tạo nên bao biến thiên cho các vùng đất xa xôi, vốn ẩn mình trong yên lặng. Đấy là công việc sẽ được các cây bút khác tiếp tục.


Thanh Tịnh
Những truyện ngắn một hai ngàn chữ in trong tập Quê mẹ của nhà văn này như những chương sách nối tiếp của một cuốn tiểu thuyết thống nhất, và các nhân vật của ông đều có một quê hương chung, đến nỗi nhớ đến Thanh Tịnh là người ta nhớ ngay đến các địa điểm hoạt động của các nhân vật ấy: Làng Mỹ Lý. Theo sự dàn dựng của Thanh Tịnh thì đang sống trong cảnh thanh bình êm ả như nhiều làng quê miền Trung khác, Mỹ Lý bỗng chộn rộn hẳn lên, do cái sự kiện là có con đường sắt đi qua. Thế là có chuyện cô Duyên (nhân vật trong Bên con đường sắt) mở một quán bán hàng cơm ở gần ga. Một cuộc sống khác đi đã đến với cô gái quê này đến mức, dù về sau cái ga cũ trở nên vắng vẻ (vì có ga mới được khánh thành), song cô cũng không thể trở về làng cũ được nữa. Còn trong Tình thư (nên coi là một trong những truyện tình hay nhất của thơ văn tiền chiến), thì người gây ra mối tình đau khổ cho cô Sương cũng là một viên xếp ga. Và khi nhờ một em nhỏ viết thư cho viên xếp ga nọ, cô Sương đắn đo mãi, rồi không đừng được, phải tha thiết dặn thêm:
– Này em Thanh ạ, giá nói thêm câu này như ý chị nghĩ thì hay nhỉ… Nhưng nói thế có được không? Chị muốn nói rằng mỗi khi nghe tiếng còi tàu đằng xa, nhất là trong những đêm vắng vẻ thì thế nào chị cũng nhớ đến thầy Xuân. Em liệu viết hộ chị nhé.
Cách nói không khỏi có chút văn vẻ, song lại cho thấy một sự thực: con tàu đã là một bộ phận trong cuộc sống tinh thần của những con người ở một vùng quê. Từ khi có đường sắt, họ không thể sống như cũ.


Thạch Lam
Đây cũng là một nhà văn có nhiều duyên nợ với con đường sắt, hơn nữa, có thể nói, đây là ngòi bút đã diễn tả một cách tinh tế nhất cái vang hưởng mà những chuyến tàu để lại trong tâm tình của người dân các vùng nông thôn xa xôi.
Giữa năm 1997, có dịp về Cẩm Giàng, nơi Thạch Lam lớn lên từ nhỏ, chúng tôi được biết vùng quê này ở vào một vị trí giao thông khá thuận tiện không chỉ có đường thuỷ nối với Hưng Yên, Nam Định, mà còn là một ga lớn, các chuyến tàu Hà Nội – Hải Phòng bao giờ cũng dừng lại ở Cẩm Giàng. Và bởi lẽ tàu xe bấy giờ đã chính xác đến từng phút cho nên Cẩm Giàng gần như là một vùng phụ cận của Hà Nội, mỗi khi có chuyến tàu qua, cái phố chợ ấy lại bừng lên một sức sống mới. Và điều này đã được Thạch Lam kể lại trong thiên truyện Hai đứa trẻ. Dưới cặp mắt nhìn trong trẻo của Liên và An, hình ảnh đoàn tàu ở đây trở nên uy nghi rực rỡ. Lúc tàu đỗ “hai chị em nghe thấy tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi. Một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, tiếp đến tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”. Lúc tàu đi “Tiếng còi đã rít lên và đoàn tàu rầm rộ đi tới (…), các toa đèn sáng trưng chiếu ánh cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”. Trong ý nghĩ của người dân phố chợ nghèo, vậy là con tàu tượng trưng cho một thế giới khác so với cái thế giới vốn bình lặng hàng ngày. Song nó không tạo ra mối phản cảm, mà ngược lại chỉ gợi nên những ao ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Một ý nghĩ nhỏ
Mới đây, có lần từ cầu Chương Dương nhìn qua cầu Long Biên, tôi thấy một đoàn tàu, mà sau đầu máy, chỉ móc thêm có dăm sáu toa gì đó. Và tôi, chợt nhớ lại những lần đi qua mấy cái ga xép, thấy cảnh nhà ga sao quá vắng vẻ, ban ngày mà cửa đóng im ỉm. Hình như ở các vùng quê, bà con bây giờ có việc gì ra tỉnh thường thích ngồi ô tô hơn là ra ga đi xe lửa, và hàng ngày nhiều đoạn đường sắt chỉ thưa thớt vài chuyến tàu tốc hành. Nguyên do thế nào không rõ nhưng lòng tôi cứ thấy lưu luyến với cái thời cũ, khi mà mọi sinh hoạt quê hương dồn cả lại bên cái ga xép, và các đoàn tàu đi về như một thứ đồng hồ giữ nhịp cho cuộc sống đều đặn. Và tôi chợt nghĩ, giá quê hương ta vẫn phát triển mà không ồn ào lộn xộn, mà mọi chuyện diễn ra hài hoà hợp lý, thì hay biết mấy?! Tôi đã chớm già, nên sinh ra lẩn thẩn rồi chăng?

Mới hơn Cũ hơn