VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nguyễn Tường Giang: Cái ấm đất và bộ chén trà Nguyễn Tuân tặng Thạch Lam

Bài viết sau đây là của người con trai thứ hai trong gia đình Thạch Lam và sinh mấy ngày trước khi ông qua đờì. Bài được viết cuối năm 2013 và lần đầu in trên Giai Phẩm Xuân Người Việt, Giáp Ngọ 2014.


Khi tra trên mạng, tôi chỉ nhận được con số phổ biến bài, tính đến ngày 4-7-2016, là 229. Ở trong nước, bài chủ yếu được in trên mấy trang mạng chuyên về trà và các loại mỹ nghệ phẩm trong đó có một trang cuả cơ sở Ba Mẫn chuyên cho thuê bàn ghế, chén đĩa, cổng hoa.
Nghĩ rằng bài viết giúp ta hiểu thêm cả không khí văn học thời tiền chiến, lẫn những phôi pha trôi nổi đã đến với các giá trị đạm bạc nhưng cao quý trong những năm chiến tranh cũng như hậu chiến, nhân ngày sinh của hai ông Thạch Lam 7-7 và Nguyễn Tuân 10-7, tôi xin được phép giới thiệu lại,kèm theo là một ít ghi chú nhỏ đưa ở cuối bài.


Tôi vẫn thường tưởng tượng một cảnh gặp gỡ như vậy giữa Nguyễn Tuân và Thạch Lam. Mẹ tôi khi còn sống không bao giờ (và có lẽ cũng vì tôi không hỏi) nói về cái buổi Nguyễn Tuân đến nhà tặng Thạch Lam một bộ đồ trà.



Trời mới vừa hửng sáng, đám sương mù dầy đặc từ đêm hôm trước như có linh hồn của một người yêu công việc thấy được ánh sáng đầu ngày đã vội vàng tản mát trên mặt nước Hồ Tây, như những người thợ cần mẫn vội vã đến nơi làm việc. Phía trong làng hoa Yên Phụ, những người trồng hoa đã bắt đầu gánh sản phẩm của những ngày lao động vội vã đi về phía đê Yên Phụ rồi tản mát đến các khu họp chợ để phân phát hương thơm và mầu sắc cho những thiếu nữ mộng mơ. Trên đê Yên Phụ lúc đó, người phu xe cũng vừa ngừng chạy, đặt hai cái càng xe xuống mặt đường. Một người đàn ông tầm thước mặc đồ âu tây trắng, đội mũ phớt trắng chậm rãi bước khỏi xe. Ông cẩn thận ôm trên tay một cái bọc vải mầu nâu gụ, dặn dò thời gian người phu xe trở lại đón rồi thong thả đi xuống đê, rẽ vào con đường làng nhỏ ngược chiều với những gánh hoa đủ mầu sắc. Qua cái đình có vẽ hình một con hổ vàng vằn đen, phía trước đình là một cái ao dài và nhỏ còn vương lại mấy lá sen tàn, ông nhẹ nhàng đẩy cánh cổng gỗ của căn nhà đầu tiên trên đường. Đó là một căn nhà tranh vách đất nằm bên cạnh Hồ Tây, một bụi tre khẽ lay động trước nhà và ông nhìn thấy phía bên nhà ngó ra hồ những cành liễu rũ xuống lấp lánh lá còn ướt sương. Ông đứng trước cửa nhà bằng tre, khẽ gọi: chị Lân, chị Lân. Cánh cửa hé mở, một người đàn bà nhỏ nhắn vấn tóc trần thò đầu ra: à anh Tuân, anh đến chơi sớm. Nhà tôi đang ở phòng viết, mời anh vào chơi. Người đàn ông bước vào nhà, để cái bọc vải trên mặt bàn bằng gỗ, cũng vừa lúc đó chủ nhân ở căn phòng nhỏ bước ra. Chủ nhân người gầy, cao, nét mặt thanh tú, đôi mắt sâu và lông mày rậm. Hai người bắt tay nhau: anh ngồi chơi, lâu không thấy anh tới tưởng anh lại đi giang hồ đâu xa. Hai người ngồi xuống hai chiếc ghế mây ở hai đầu bàn, người khách mở gói vải bầy ra mặt bàn một bộ đồ trà và một hộp trà nhỏ: xin chị cho một ấm nước sôi. Chủ nhà tò mò ngắm nghía bộ đồ trà: một cái ấm trà mầu đỏ chu sa, một cái đĩa bàn lòng chảo bằng sứ men trắng dưới lòng đĩa có vẽ hình những con kỳ lân với những cái đuôi dài quấn vào nhau, tựa như một tấm bản đồ cổ. Một cái chén tống và một chén quân có cùng một họa hình như cái đĩa bàn, còn một chén quân khác vẽ cảnh bốn người ngồi trong thuyền ngoạn cảnh bên bờ nước có những tảng đá lớn có một cái cây nhỏ vươn ra. Trên thành chén quân này có bẩy chữ Tầu, ắt hẳn là một câu thơ. Chủ nhân cười hỏi: không biết đây có phải là bộ đồ trà trong “những cái ấm đất” và “chén trà trong sương sớm” chăng. Tôi nào có nghi ngờ những điều anh viết đâu. Khách biết là chủ nhân chỉ hỏi đùa, ông vẫn cảm cái ơn tri ngộ của một người bạn văn cùng nòi tình khi viết những lời phê bình cảm động cuốn truyện ngắn ông mới in. Tôi cũng có việc sắp phải đi xa nên đến cùng anh uống vài chén trà từ biệt. Cũng xin để tặng anh bộ đồ trà của gia đình. Khi nào anh uống trà sẽ nhớ đến Nguyễn này. Một cái hỏa lò đã được mang lên cùng một cái ấm đồng, than trong hỏa lò đã đỏ lửa, bọt than nổ tí tách. Khách mở hộp trà Thiết Quan Âm mới tìm mua được hôm qua rồi khéo léo và từ tốn pha trà. Hai người im lặng thưởng thức trà rồi nhẹ nhàng nói những chuyện văn chương chữ nghĩa. Họ có nhiều chuyện để nói với nhau bởi đó là hai nhà văn cùng tuổi, cùng thời, cùng nổi tiếng vì những bài viết sâu sắc và tinh tế về nghệ thuật ẩm thực và những thú vui tao nhã xưa và nay. Cả hai cùng mới dứt bỏ được ả phù dung, một người vừa in Ngọn Đèn Dầu Lạc, người kia đã có trong tay bản thảo Mười Năm Đèn Lửa. Phải chăng họ là Bá Nha Tử Kỳ của Văn Chương.



Tôi vẫn thường tưởng tượng một cảnh gặp gỡ như vậy giữa Nguyễn Tuân và Thạch Lam. Mẹ tôi khi còn sống không bao giờ (và có lẽ cũng vì tôi không hỏi) nói về cái buổi Nguyễn Tuân đến nhà tặng Thạch Lam một bộ đồ trà. Chỉ có lần thấy mẹ tôi bầy cái ấm trà và cái đĩa có ba chén trà men trắng vẽ hình lam xanh trên bàn thờ vào một ngày giỗ Thạch Lam, bà nói với chúng tôi: cái ấm trà và mấy chén trà này do nhà văn Nguyễn Tuân tặng cậu, hồi còn sống cậu quý lắm. Tôi nhớ đó là những ngày chúng tôi đã vào ở trong Nam và tôi mới chập chững ở ngưỡng cửa trung học, mới bắt đầu lạc lõng vào thế giới văn chương tiền chiến, biết đôi điều về Thạch Lam và Tự Lực Văn Đoàn. Tôi vẫn chưa bao giờ tự hỏi và tìm hiểu bộ đồ trà này lưu lạc ở đâu, từ ngày Thạch Lam mất đi, ngày 27 tháng sáu năm 1942, ba ngày sau khi tôi ra đời. Sau khi cha tôi mất, mẹ tôi chỉ nán ở lại căn nhà cây liễu cạnh Hồ Tây đôi ba tháng, bà tôi vì thấy cảnh nheo nhóc của ba đứa cháu nội, cho người đón chúng tôi về trại Cẩm Giàng và giao cho mẹ tôi làm quản gia cho trại. Ở đây ba chị em chúng tôi đã sống những ngày tháng êm đềm cho tới khi phong trào toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Lúc đó bà nội tôi đã xuất gia, khi ở chùa, khi về thăm trại. Khi phong trào tiêu thổ kháng chiến được phát động, gia đình tôi đã theo đoàn người tản cư chạy ngược lên miền bắc, dần dà đến trú ngụ ở một làng nhỏ và rất nghèo vùng Nhã Nam, Yên Thế. Trong những ngày đầu của cuộc tản cư gia đình tôi được cho ở tạm trong một căn buồng nhỏ, gần gian chứa thóc của một gia đình miền quê tốt bụng. Theo lời chị tôi kể, một hôm mẹ tôi trở lại Cẩm Giàng để xem xét tình hình, khi trở về thì căn buồng chúng tôi tạm trú đã bị cháy hết, những di tích kỷ niệm của gia đình như hình ảnh, sách vở và những trang bản thảo của Thạch Lam đều tan thành tro bụi. Gia đình chúng tôi đã sống hơn ba năm ở cái làng Đìa heo hút, tôi nhớ là cả gia đình chui rúc trong một căn lều nhỏ, là nơi chủ nhà ngày trước dùng để cất những dụng cụ nhà nông. Căn lều mái tranh vách đất, cửa liếp lỏng lẻo, những ngày mưa mái nhà bị dột và tôi hay ngồi nhìn những bong bóng do nước trên mái gianh nhỏ xuống cái rãnh ngoài cửa liếp. Tôi không nghĩ lúc đó mẹ tôi mang theo bộ đồ trà mỏng manh dễ vỡ, mặc dù mẹ tôi vẫn có một cái tay nải mầu nâu nhưng tôi chưa bao giờ mở ra xem trộm. Tôi tự hỏi nếu mẹ tôi có bộ đồ trà quý giá đó, bà có chịu bán đi cho một người giầu có trong làng để qua cơn nghèo túng, bữa đói bữa no, cơm ăn trộn khoai trộn sắn của chúng tôi hay không. Cho đến khi bà nội tôi dò hỏi và tìm được gia đình tôi, khi theo người dẫn đường trở về Hải Phòng, ngày nghỉ đêm đi, tôi còn nhớ có những đêm nấp trong bãi tha ma thấy những viên đạn lửa như ma trơi bay ngang dọc trên đầu. Ở Hải Phòng rồi dọn về Hà Nội cho tới khi di cư vào Nam, gia đình tôi thay đổi chỗ ở ít nhất cũng bốn năm lần, lần nào cũng chỉ sống trong một căn buồng bé cỏn con, tôi chưa một lần nhìn thấy bộ đồ trà.
Cái ấm trà và những cái chén trà, trong khoảng thời gian dài hơn một giáp tuổi đã lưu lạc ở đâu. Những người có thể soi sáng vào cái phần đời còn u tối của chúng giờ đây đã không còn nữa, những thắc mắc, tìm tòi về những kỷ niệm, biến cố liên quan đến một con người bao giờ cũng được nhớ tới một cách muộn màng. Phải chăng khi mẹ con chúng tôi dời bỏ trại Cẩm Giàng với những ngày tháng êm đềm, bà nội tôi, người đã bỏ bao nhiêu công lao tạo dựng một nơi chốn để con cháu có những ngày tụ họp, nghỉ ngơi, đã trở về để nhìn thấy căn nhà thân yêu một lần chót, đã vội vã thu vén những kỷ vật của gia đình, bà đã nhìn thấy bộ đồ trà của đứa con bà yêu thương nhất nhưng mệnh yểu, bà đã bỏ những di vật đó trong cái tay nải nâu sòng của một người xuất gia. Từ đó, bộ đồ trà của một thời dĩ vãng đã lách cách đi theo bà nội tôi, ẩn náu dưới những mái chùa Đào Xuyên, Bối Khê vùng Hưng Yên để trốn tránh bộ đội Việt Minh đang tìm dấu vết gia đình Nguyễn Tường Tam, rồi về Thành yên ổn trong ngôi chùa Hai Bà Trưng phường Đồng Nhân, Hà Nội, nơi tôi đã được ăn oản ăn chuối cúng Phật hơn hai tháng trời, vì cái mạng cao số phải nương nhờ cửa Phật để người thân được độ trì, rồi cùng theo đoàn người di cư vĩ đại vào miền Nam. Bà tôi lúc tạm trú ở chùa Văn Thánh Thị Nghè, chỉ cách nơi gia đình tôi trú ngụ có một cái cầu rất ngắn, và cũng có lẽ đó là lúc bộ đồ trà được giao lại cho mẹ tôi, để cái linh hồn của Thạch Lam mỗi lần giỗ tết, sống lại cái quá khứ ở Hồ Tây.
Tôi thừa hưởng cái ấm trà và bộ chén trà từ ngày mẹ tôi mất. Hàng năm anh tôi vẫn làm giỗ Thạch Lam và nhiều năm chúng tôi cũng không quên để bộ đồ trà trên bàn cúng. Chúng tôi vẫn coi ngày giỗ là ngày tụ họp trong gia đình và họ hàng thân quen, và sự gặp gỡ bây giờ lại là ngày chúng tôi nhắc nhở nhiều đến mẹ chúng tôi hơn là Thạch Lam. Chúng tôi hay nhắc nhở tới những thức ăn cúng bà sửa soạn một cách chu đáo và ngậm ngùi, như bà đang sửa soạn bữa ăn hàng ngày cho Thạch Lam và không bao giờ bà quên mua một bó hoa cẩm chướng để tưởng nhớ người xưa. Chúng tôi cũng không quên rót đầy hai chén trà để lên bàn cúng và cái ấm trà hiện diện như một phần đời của Thạch Lam. Tại sao tôi lại được giữ bộ đồ trà, có lẽ là khi mẹ tôi mất đi, anh tôi vẫn còn độc thân và vợ tôi đã sinh cho bà ba đứa cháu nội. Tôi có đôi lần mang cái ấm trà ra ngắm nghía, nhất là sau khi đã đọc khá nhiều lần cuốn Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân. Khi đọc đến đoạn văn: “Cái ấm của cụ quý lắm đấy. Thực là ấm Thế Đức mầu gan gà. Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần. Cái Thế Đức của cụ, cao nhiều lắm rồi. Cái Mạnh Thần song ẩm của tôi ở nhà, mới dùng nên cũng chưa có cao mấy”, tôi cũng tò mò nhìn vào lòng cái ấm đất xem có mấy lớp cao và cũng có lần úp ấm trà xuống bìa một cuốn sách để xem miệng vòi với quai và gờ miệng ấm có cắn sát vào mặt bằng của bìa sách hay không, và đôi lần cầu kỳ hơn, thả cái ấm trà vào chậu nước xem có nổi đều, cân nhau không triềng như Nguyễn Tuân đã mô tả trong truyện Những Chiếc Ấm Đất. Vào khoảng năm 1974, tôi nhờ một người bạn thông chữ Hán đọc dùm hai cái triện chữ Tầu ở trôn chiếc ấm và sung sướng như bắt được vàng khi biết đó đúng là cái ấm trà hiệu Thế Đức. Một người sưu tầm đồ cổ đến xem cái ấm trà và cái đĩa cùng ba cái chén uống trà, đã trả giá bằng số lương hai tháng làm việc của tôi như một bác sĩ trong nhà thương, nhưng một vật kỷ niệm trong gia đình, lại là một cổ vật đã được đưa vào văn chương, tôi sao đành lòng rời xa.



Tôi bây giờ đã trên tuổi bẩy mươi, cái tuổi cổ lai hi, mới ngẫm nghĩ rằng mọi việc trên đời, từ sống chết, danh phận, giầu nghèo đến tình nghĩa vợ chồng, cha con, bằng hữu, đều có thể buộc vào chữ nghiệp, chữ duyên. Bộ đồ trà đối với tôi, nếu có linh hồn, hẳn phải nợ nần nhau lắm. Cuộc tao loạn nước mất nhà tan năm 1975, gia đình tôi vì may mắn đã di tản trong những ngày cuối cùng của chiến tranh, nhưng ra đi với hai bàn tay không đã là một ân sủng của đất, trời. Những năm tháng đầu tiên trên xứ người, phải bắt đầu lại bằng những bước tập tễnh trong đời sống, dĩ nhiên tôi không bao giờ bận tâm đến bộ đồ trà. Chỉ trong một tích tắc đồng hồ quyết định, những của cải vật chất, những sách vở quý giá còn phải bỏ lại huống chi những vật mong manh như một bộ đồ trà. Sách báo tôi in, bản thảo của nhiều truyện ngắn chưa đăng báo, giấc mơ văn chương tôi hằng ấp ủ, bây giờ đều tan như bọt nước. Cái gánh nặng gia đình trước mặt đã giữ chặt đôi chân tôi trên mặt đất, xích vào cái thực tế của một đời người. Không định trước, một người chị họ đã sống lâu trên đất Pháp cùng người bạn trai cho biết sẽ đến thăm tôi, sau khi ghé qua Hoa Thịnh Đốn. Lúc đó gia đình tôi đang cư ngụ ở một tỉnh nhỏ vùng tây nam tiểu bang Nữu Ước trong cảnh giúp đỡ của họ đạo Tin Lành, và cũng trên đường người chị muốn đến thăm thác Niagara. Một sự ngạc nhiên không bao giờ tôi có thể nghĩ tới, là trong những tặng vật chị mang đến cho tôi lại có bộ đồ trà, cái ấm trà và bộ chén trà tôi đã quên bẵng đi như đã quên những vật thân yêu khác. Qua những thư từ liên lạc, hồi đó còn rất khó khăn, với anh tôi và với gia đình bên ngoại, không thấy ai nhắc nhở tới bộ đồ trà tôi đã bỏ lại trong nhà. Có thể nào trong những ngày tháng hốt hoảng của một thành phố không có tương lai, mẹ vợ tôi đã mang về những đồ đạc, sách vở tôi để lại và trong khi phải đốt hoặc bán chợ trời những cuốn sách chuyên môn hay văn nghệ, những dụng cụ y khoa, bà đã vì một lý do nào đó giữ lại bộ đồ trà di vật của gia đình tôi để trao lại cho anh tôi. Trong những ngày vật đổi sao dời, bị tước đi tất cả những công lao vun xới cùng tự do và nhân phẩm của một con người, bà chị dâu đã phải bươn chải bán dần những tài sản ngoài chợ trời để lo cho lũ con mọn và người chồng trong trại học tập, bộ đồ trà vẫn bám lấy gia đình chúng tôi, như một phần thân thuộc của Thạch Lam. Có thể trong hoàn cảnh của một tương lai mờ mịt, không có hy vọng gì về một cuộc sum họp, người chị dâu tôi đã gói ghém bộ đồ trà kỷ niệm trong gia đình, chuyển đi qua một đại dương cách trở, cái ranh giới giữa kìm kẹp và tự do, như một lời trăn trối. Bộ đồ trà phải lìa bỏ quê hương ấy chắc cũng có lúc đau lòng, trong khi phải lưu lạc nửa vòng trái đất từ Sài Gòn qua Ba Lê đến Hoa Thịnh Đốn, rồi dừng lại ở một tỉnh nhỏ heo hút chỉ có dăm ba người đồng hương, cái đĩa bàn đựng chén trà, như một người mẹ muốn che chở mấy đứa con, đã vỡ đi một góc. Tôi nhìn những mảnh sứ vụn rời rạc của chiếc đĩa, đau như có ai cắt vào tay. Vợ chồng tôi đi tìm mua năm bẩy loại keo dán đồ sứ, loay hoay cả nửa ngày trời để gắn lại những mảnh vỡ và nghĩ rằng đã có bao nhiêu sự đổ vỡ trong đời không có gì hàn gắn được.
Cái ấm đất và bộ chén trà từ đó lại lẽo đẽo theo tôi hơn một nửa đời người. Hơn một nửa đời người của tôi đã dành cho một nơi cư trú không phải là đất nước quê hương, và cái chênh của ngày tháng dễ đến năm mười năm lại ngả về phần đất này. Trong cái khoảng thời gian đếm dài trên con số nhưng lại rất ngắn trong phần linh hồn, tôi đã phải dời nơi ăn ở ít nhất cũng nhiều hơn những ngón trên một bàn tay, bộ đồ trà đã có lúc được gói trong những mảnh vải xé, trong giấy nhật trình hay được bầy trong tủ kính ở phòng ăn phòng khách. Tuyệt nhiên, nếu tôi nhớ không lầm, chưa có lần nào tôi dám mang ra hầu tiếp bạn bè hoặc pha một ấm trà uống một mình. Có một cái gì thiêng liêng đâu đó, như âm hồn bao nhiêu người xưa cũ còn quẩn quanh đã khiến tôi biến một vật gia dụng thành một món đồ thờ. Vả chăng, giữa những tháng ngày vật lộn vì mưu sinh ở xứ người, bạn bè cũ mới, mấy ai có thể nhàn rỗi ngồi nhâm nhi chút hương thơm của trà, bàn chuyện lễ nghĩa ở nơi mà người ta có thể biến thời gian thành hiện kim. Cũng có một khoảng thời gian khá dài, sau khi đã quân bình được cuộc sống, tôi cũng sa đà vào những cái vụn vặt của thú uống trà. Tôi cũng đi tìm mua những ấm trà được tạo dáng khác nhau, những ấm trà có khắc rồng khắc phượng thay đổi mầu sắc khi chất nước sôi thấm vào cái phần da thịt của ấm, tôi cũng la cà ở các trà thất khi du lịch ở Trung Hoa để cố tìm những hương vị trong trí tưởng và khi đến Hàng Châu, thủ phủ trà, tôi đã dám tiêu pha mua mấy lượng Ngự Trà, nếu so sánh theo cân lượng, chắc cũng xấp xỉ với giá vàng cùng thời. Nhưng không có gì bằng là có một người bạn được gọi là tri kỷ để có thể cùng ngồi thưởng thức một ấm trà nhỏ trong một ngày tuyết rơi, thì hỡi ơi, không lẽ tôi lại là cái người tri kỷ của chính tôi. Cái ấm trà và bộ chén trà trong những năm gần đây, thật sự tôi cũng không biết đã ẩn nấp ở đâu trong nhà. Cái tủ kính để trưng bầy mấy bức tượng quý bằng thạch cao, đồ trang trí pha lê và những ấm trà tôi sưu tập, vợ tôi đã đem cho người con gái mới mua nhà. Vợ tôi, như mọi người phụ nữ đảm đang khác, có cái tài tình là cất giữ những món đồ quý giá ở những nơi mà không sao tìm ra được. Cũng đã khá lâu, kể từ khi cứ năm bẩy tháng lại nghe tin một người bạn cũ hay một người trạc tuổi mình lặng lẽ ra đi, ở cái tuổi mà mỗi buổi sáng thức dậy đã là một hạnh phúc cuộc sống tặng cho riêng mình, tôi đã có lần tụ họp bốn đứa con để bàn về cái sự chia phần những hiện vật còn lại ở trong nhà, dăm ba cái đồng hồ cũ có tên hiệu, mấy thùng rượu vang của các vùng sản xuất danh tiếng, năm mười bức tranh của một số họa sĩ Việt Nam còn sống hay đã chết, các bức tượng bằng sứ hay thạch cao… Riêng có bộ sưu tập những phác họa của Nguyễn Gia Trí và bộ đồ trà của Nguyễn Tuân tặng Thạch Lam, tôi luôn luôn muốn giữ lại để góp một phần nhỏ trong những di vật cho một viện bảo tàng hay nhà lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn, khi các cơ sở này được thành lập và quản trị bởi những người yêu văn hóa nghệ thuật và có thiện tâm.
Tôi sẽ không có cơ hội cặm cụi viết những dòng chữ về cái ấm đất và bộ chén trà của Nguyễn Tuân tặng Thạch Lam để có dịp nhìn lại và tìm hiểu về món kỷ vật đã có cái duyên theo tôi trên một nửa thế kỷ, nếu cách đây khoảng một tháng Nguyễn Tường Thiết, người anh họ tôi, đã không gọi tôi hỏi han về bộ đồ trà này. Thiết nói với tôi: cái ấm đất Nguyễn Tuân tặng Thạch Lam là một chuyện thú vị lắm chứ, sao ông không viết vài hàng về nó. Thiết cho tôi biết lần đến thăm tôi cách đây hơn nửa năm, chủ yếu để nhìn tận mắt cái ấm đất mà Nguyễn Tuân đã tỉ mỉ tả trong truyện ngắn của ông, nhưng lại vì những chuyện đâu đâu quên đi không hỏi tới. Đối với tôi, cái ấm đất và bộ chén trà nhiều khi không còn hiện diện, mà chỉ là những kỷ niệm liên hệ đến cha tôi, mẹ tôi, căn nhà tranh ở Hồ Tây và người văn sĩ tài hoa Nguyễn Tuân một lần đến thăm, một thời nào đó đã xa, đã xa xôi lắm như chỉ có trong giấc mơ. Vợ tôi, sau cả ngày lục lọi, cuối cùng cũng tìm ra cái ấm trà và bộ đĩa chén để trong một cái túi nhựa giấu sâu trong giá sách, mà thời buổi này chẳng còn mấy ai có thì giờ để đọc một cuốn sách in. Tôi nhìn thấy bộ đồ trà, lòng ngẩn ngơ như gặp lại một người bạn cố tri nhớ mà không muốn gặp. Đã từ lâu tôi đã quên đi những thú uống trà, nghe nhạc, đọc sách. Cái giấc mộng văn chương một đời người tôi tơ tưởng, giờ đây thật lòng tôi chỉ muốn quên đi. Tôi chỉ muốn giữ gìn sức khoẻ để sống nốt cái đời của một người già cả, bệnh hoạn, không còn muốn làm phiền đến cả chính mình. Nhưng cái đĩa bàn đựng chén trà sau những lần di chuyển hay vì những đường hàn gắn đã quá lâu, lại phơi bầy những mảnh vụn ngổn ngang. Trong khi vợ tôi loay hoay vá lại những mảnh vỡ, tôi tò mò ngắm nhìn những họa hình trong lòng đĩa và trên thành chén, mấy cái chữ Tầu ở trôn đĩa và chén có vẻ giống nhau, và bảy chữ Hán in trên một cái chén quân lạc điệu chắc hẳn là một câu thơ, tôi chợt tự hỏi không biết cái xuất xứ của các vật nhỏ nhắn, xinh đẹp và cổ xưa này. Nhân có một người bạn trẻ thông thạo chữ Hán, đã từng cho tôi coi những bài thơ làm bằng tiếng Hán của anh, tôi vội vã gói cái ấm đất và bộ chén trà đến nhờ anh đọc dùm. Anh cho tôi biết đôi điều về cái chất đất sét đặc biệt có trộn cát ở huyện Nghi Hưng vùng Giang Tô, nơi đã sản xuất những ấm trà Thế Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần. Hai chữ Nội Phủ ở trôn đĩa và chén là sản phẩm đồ sứ men lam Huế (bleus de Hué) đặc thù của thời kỳ mạt Lê/Trịnh Sâm qua nhà Tây Sơn và kéo dài đến mấy triều đại đầu tiên của nhà Nguyễn Gia Long. Tôi độ chừng những cổ vật này cũng đã có số tuổi trên dưới hai thế kỷ, đã được nâng niu nhẹ nhàng bởi những ngón tay khéo léo của dòng họ Nguyễn Tuân, và một ngày nào đã xa, cụ tú Hải Văn Nguyễn An Lan đã ngồi uống trà, khề khà kể những chuyện vang bóng một thời cho người con cả tài hoa, người con đã mang trong người dòng máu giang hồ như một chứng tích của gia đình, Nguyễn Tuân.
Nguyễn Tuân, một người cầu kỳ và khinh bạc, Thạch Lam, một người trầm lặng và khó tính, tôi vẫn không hiểu hoàn cảnh nào đã đưa hai người văn sĩ tài hoa của hai dòng bút pháp khác biệt đến với nhau. Giữa tháng sáu năm 1940, Thạch Lam viết bài phê bình cuốn Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân trên báo Ngày Nay. Nhà thơ Đinh Hùng, một người bạn trẻ thường xuyên có mặt ở nhà Thạch Lam, chỉ gặp Nguyễn Tuân ở đó có một lần, ắt hẳn cái giao tình giữa hai người không phải chỉ đếm bằng những lần gặp gỡ. Mười lăm năm sau cái chết của Thạch Lam, tháng bẩy năm 1957, giữa cái thời văn nghệ miền Bắc đang sôi động về vụ Nhân Văn Giai Phẩm, cái thời mà những tác phẩm văn chương của nhóm Tự Lực Văn Đoàn như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam bị coi như cấm kỵ và phản động (một người bạn tôi gặp ở Hà Nội năm 1994, hiệu trưởng một trường nữ trung học nổi tiếng, đã kể cho tôi nghe khi còn ở đoàn thanh niên Tiền Phong, chỉ vì chép tay truyện Dưới Bóng Hoàng Lan của Thạch Lam mà bị kiểm thảo nặng nề), Nguyễn Tuân đã vì lý do nào viết bài ca tụng văn chương Thạch Lam. Rồi ba mốt năm sau, năm 1973, Nguyễn Tuân đề tặng Thạch Lam bài tùy bút Giò Lụa của mình và một tháng sau viết về Cốm, phải chăng sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, ông chợt động lòng nhớ đến người bạn xưa của Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường.
Cái ấm đất và bộ chén trà của Nguyễn Tuân tặng Thạch Lam, cuối cùng, như hai người tri kỷ cùng im lặng thưởng thức cái hương vị của một ấm trà ngon, chính là chứng cớ lặng lẽ cho một tình bạn âm thầm và sâu xa, mãi mãi giữ kín ở trong lòng.
10:50 tối ngày sáu tháng mười năm 2013


Một số chi tiết liên quan tới
mối quan hệ Thạch Lam- Nguyễn Tuân

1/ Với Vang bóng một thời (1940) Nguyễn Tuân xuất hiện hơi muộn, trong khi Tự lực văn đoàn lúc này đã đến độ chín và hoạt động tương đối khép kín. Nhưng theo chỗ tôi nghe được từ những người thạo về văn học tiền chiến, khi nhìn ra các nhà văn bên ngoài văn đoàn của mình, từ Nhất Linh Khái Hưng trở đi chỉ phục có Nguyễn Tuân.
2/ Trong thời gian chủ trì tờ Ngày nay, khoảng 1939-1940, Thạch Lam có biệt nhãn với nhiều cây bút mới nổi trong thời gian đó, bất kể họ thuộc dòng phái nào. Trên một chuyến tàu Hà Nội – Hải Phòng , ông ngẫu nhiên bắt gặp Hồ Dzếnh, sau đó đã có bài giới thiệu Chân trời cũ. Thạch Lam cũng đã có một bài viết ngắn về Nguyên Hồng sau Những ngày thơ ấu. Riêng bài viết về Nguyễn Tuân của ông thì mới đây thôi, khoảng 1984-85, còn thấy in lại. Tôi hiện không có trong tay nên không thể trích ra đây được bài này, chỉ nhớ có một ý độc đáo, trong đó Thạch Lam nói rằng chính đức nhẫn nhịn hy sinh mới là một đặc tính ẩn sâu trong lớp người Việt tinh hoa từng thấm nhuần phần tốt đẹp nhất của văn hóa phương Đông và ông đã tìm thấy điều này trong truyện Ngôi mả cũ.
3/ Từ 1956, 1957, khi nhà xuất bản Hội nhà văn ở Hà Nội được thành lập, những người phụ trách liền có kế hoạch in lại một số tác phẩm tiền chiến, nhờ thế mà lớp trẻ năm ấy ở tuổi 14-15 chúng tôi mới được đọc Nước giếng thơi của Nguyễn Bính, Quê mẹ của Thanh Tịnh, Giăng thề của Tô Hoài. Vang bóng một thờiTruyện ngắn Thạch Lam (tuyển tập) cũng ra đời trong dịp này, một của chính Nguyễn Tuân, một do Nguyễn Tuân viết lời giới thiệu.
Sau lần ra mắt đó, mãi tới khoảng 1985 ở Hà Nội, Thạch Lam mới được in lại, và bài viết của Nguyễn Tuân về ông thì được đưa vào trong hầu hết các tài liệu nghiên cứu. Nên biết thêm là tuy không được in, nhưng tác phẩm Thạch Lam vẫn được bạn đọc thủ đô những năm đó, nhất là lớp trẻ học sinh sinh viên âm thầm tìm đọc. Hồi đó chưa có photocopy, nên câu chuyện một bạn trẻ nào đó ngồi chép lại cả truyện Dưới bóng hoàng lan chắc là chuyện có thật, bản thân tôi trong năm cuối học Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã ngồi chép Cô hàng xén trên mấy trang giấy xấu chỉ có ở Hà Nội trước chiến tranh để đọc đi đọc lại. Vì sao ư, vì tôi nhìn thấy trong nhân vật Tâm bóng dáng người chị thân yêu của mình. Khác với Nhất Linh Khái Hưng ..., Thạch Lam vẫn được các cuốn lịch sử văn học coi như một tác giả đáng mến mộ nhất của sinh hoạt văn học 1930-45. Theo chỗ tôi nhớ, hầu như chưa bao giờ Thạch Lam trở thành đối tượng để các nhà nghiên cứu phê phán trong khi họ đua nhau hạ xuống đất đen Tự lực văn đoàn.
4/ Nguyễn Tuân vốn được ngưỡng mộ sau những bài viết rất nhanh ngay sau cái chết của Tản Đà và Vũ Trọng Phụng; mấy năm trước khi qua đời, chính ông có lần nói với tôi là về già không sao có nổi cái bút lực như lúc trẻ viết về hai tác giả trên. Bài viết về Thạch Lam không có được cái xuất thần như thế. Nhưng nó vẫn được nhắc nhở vừa để cho thấy cái thuỷ chung như nhất của Nguyễn Tuân, vừa là một bằng chứng khẳng định tài năng bền vững với thời gian của Thạch Lam.Trong bài viết trên của Nguyễn Tường Giang, tôi thích nhất cái câu khái quát “Nguyễn Tuân, một người cầu kỳ và khinh bạc, Thạch Lam, một người trầm lặng và khó tính, tôi vẫn không hiểu hoàn cảnh nào đã đưa hai người văn sĩ tài hoa của hai dòng bút pháp khác biệt đến với nhau”. Nhưng đây là cả một câu chuyện dài, tôi không đủ sức để nói ngắn gọn ở đây được.
Mới hơn Cũ hơn